Khi xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn. Trong trường hợp yêu cầu ly hôn không đáp ứng các điều kiện và căn cứ cho ly hôn nêu trên, tòa án quyết định không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn.
Nội dung vụ án:
Nguyên đơn – ông Nguyễn Bá H trình bày:
Ông H và bà M kết hôn năm 1972 có đăng ký kết hôn ngày 21/3/1972 tại UBND xã TD. Việc ông kết hôn với bà M là do lúc đó ông còn đang đi học, bị bố mẹ ép buộc.
Hai vợ chồng chung sống hoà thuận đến năm 1990 thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do vợ chồng ông có sự bất đồng về nhận thức, tư tưởng và lối sống, bà M đi theo đạo Long Hoa Di Lặc, không thờ cúng tổ tiên. Ông H đã khuyên giải nhiều lần nhưng bà M không nghe. Đặc biệt từ năm 2002 cho đến nay, bà M không tôn trọng chồng, bịa đặt nhiều chuyện làm mất danh dự của ông H. Thực tế vợ chồng ông H bà M đã ly thân với nhau từ năm 1990. Nay tình cảm giữa ông với bà M không còn, nên ngày 20/10/2007, ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết cho ông được ly hôn với bà M.
Về con chung: Vợ chồng ông có bốn con chung gồm:
– Nguyễn Thị N, sinh năm 1973.
– Nguyễn Bá D, sinh năm 1980 (đã chết 2001).
– Nguyễn Thị T, sinh năm 1982.
– Nguyễn Thị Lan P, sinh năm 1987.
Các con hiện nay đã trưởng thành, việc ở với ai là do các con tự quyết định.
Về động sản: Ông bà có những tài sản chung sau:
– 02 chiếc giường.
– 01 tủ đứng ba buồng.
– 01 bộ bàn ghế ngồi.
– 01 vô tuyến.
Khi ly hôn, những tài sản trên ông để lại hết cho bà M
sử dụng.
Về bất động sản: Hiện nay, vợ chồng ông đang ở tại nhà đất của bố mẹ ông, gồm 05 gian nhà cổ có từ cách đây trên 70 năm trên diện tích 375m2 đất. Quá trình ở, vợ chồng ông đã tu tạo, sửa chữa từ năm 1984: Thay cửa đại hội bằng cửa bức bàn và xây mới 5 gian công trình phụ. Công sức tu tạo này chủ yếu là của ông H, bà M làm ruộng nên công sức ít hơn; các con khi đó còn nhỏ, đang đi học nên không có công sức gì.
Năm 2006, chị N bỏ tiền để làm chuồng gà nhưng không được sự đồng ý của ông H. Chị N có lăn sơn tường nhà, trát lại tường cũng không được ông đồng ý. Chị P đi học không có đóng góp gì. Gia đình ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà M là chủ hộ. Đây là nhà đất của tổ tiên để lại nên khi ly hôn, ông đề nghị được hưởng toàn bộ, ông sẽ hỗ trợ cho bà M 10.000.000 đồng để bà M lo chỗ ở mới.
Bị đơn – bà Nguyễn Thị M trình bày:
Bà M và ông H lấy nhau trên cơ sở tự nguyện và được sự đồng ý của hai gia đình, có đăng ký kết hôn ngày 21/3/1972 tại UBND xã TD, huyện ĐA, tỉnh H. Cuộc sống vợ chồng hoà thuận, hạnh phúc và đã có 4 con chung là:
– Nguyễn Thị N – sinh năm 1973.
– Nguyễn Bá D – sinh năm 1980 (đã chết).
– Nguyễn Thị T- sinh năm 1982.
– Nguyễn Thị Lan P – sinh năm 1987.
Suốt thời gian ông H công tác trong miền Nam, một mình bà nuôi dạy các con, gánh vác công việc gia đình nhà chồng, làm trọn đạo dâu con. Do ông H có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác nên nay có đơn xin ly hôn bà, bà M không đồng ý. Bà M vẫn còn tình cảm với ông H, lúc nào mẹ con bà cũng giang tay đón ông H về, bà đề nghị Toà án bác đơn ly hôn của ông H, tạo điều kiện cho vợ chồng bà được đoàn tụ. Bà M xác nhận bà có theo đạo Long Hoa Di Lặc, nhưng với mục đích tu nhân, tích đức làm điều thiện, không hại ai. Đồng thời, bà M vẫn cúng giỗ tổ tiên bình thường.
Về tài sản:
– Động sản: Vợ chồng bà có: 01 tủ chè, 01 tủ đứng, 02 chiếc giường, 01 khuôn tranh, 01 ti vi, 01 bộ bàn ghế.
– Về bất động sản: Ngôi nhà cấp 4 năm gian trên diện tích 375m2 đất là của bố mẹ chồng bà để lại cho vợ chồng bà. Năm 1998, bà được UBND huyện ĐA cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình bà. Quá trình ở đây bà có sửa chữa, tu bổ như: Trát lại tường, thay 1 số cột, đảo ngói, lăn sơn… hết 10.000.000 đồng (năm 2006) đến năm 2007: Xây mới 04 gian chuồng gà hết 7.000.000 đồng. Ngoài ra còn thay khung mái chuồng gà cũ. Quá trình sửa chữa nhà và xây dựng các công trình trên, con gái Nguyễn Thị Lan P có đóng góp cho bà 5.000.000 đồng, còn tất cả là của bà bỏ ra.
Nay ông H cố tình ly hôn, bà M đề nghị Toà án giải quyết theo pháp luật. Bà M không đồng ý chia nhà, đất, vì nhà đất là của tổ tiên để lại và bản thân bà có rất nhiều công sức tu bổ, tôn tạo, nên cần phải giữ gìn để thờ cúng tổ tiên.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chị Nguyễn Thị N, Nguyễn Thị T) trình bày:
Nhà đất hiện mẹ chị đang ở là của ông bà nội cho bố mẹ các chị. Mẹ các chị là bà M có rất nhiều công sức tu bổ, tôn tạo nhà cửa và xây mới 1 số công trình như: làm nhà tắm, xây 04 gian chuồng gà… Các chị đề nghị Toà án bác đơn ly hôn để cho bố mẹ các chị đoàn tụ gia đình. Đối với các tài sản trong gia đình, các chị thống nhất lời trình bày và quan điểm của bà M (mẹ các chị).
Chị Nguyễn Thị Lan P trình bày:
Năm 2006, mẹ chị (bà M) có sửa sang nhà cửa, chị có đóng góp 5.000.000 đồng cho mẹ. Nay chị đồng ý để cho mẹ chị được sử dụng số tiền trên.
Tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện:
Theo nội dung cung cấp của UBND xã TD, huyện ĐA, tỉnh H trong biên bản xác minh của Tòa án thì: “Cuộc sống vợ chồng của ông H, bà M hạnh phúc và có 04 con: 03 gái + 01 trai. Các cháu đều đã trưởng thành. Bà M là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình, làm trọn nghĩa vụ dâu con với gia đình nhà chồng và anh em họ hàng, quan hệ tốt với bà con làng xóm, không có điều tiếng gì. Về phía ông H do có quan hệ với người phụ nữ khác nên xin ly hôn bà M. Đề nghị Toà án bác đơn ly hôn của ông H vì lý do xin ly hôn của ông H là không chính đáng”.
Công văn số 024 ngày 22/3/2008 của Hội liên hiệp phụ nữ huyện ĐA, tỉnh H có nội dung xác nhận về sự thiệt thòi của bà M trong nhiều năm qua do phía ông H không quan tâm. Đồng thời quý Hội cũng đề nghị xem xét và bác đơn xin ly hôn của ông H.
– “Đơn kiến nghị” ngày 15/3/2008 của nội tộc gia đình ông H gửi Toà án với nội dung xác nhận: Quá trình chung sống hạnh phúc giữa ông H và bà M; bà M là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, sống chung thuỷ với chồng, có hiếu với bố mẹ, hoà thuận với họ hàng nội ngoại; lý do ông H xin ly hôn bà M là không chính đáng; đề nghị Toà án xử bác đơn ly hôn của ông H.
Tại phiên toà sơ thẩm: Ông Nguyễn Bá H vẫn giữ yêu cầu xin ly hôn bà Nguyễn Thị M. Bà Nguyễn Thị M đề nghị Toà án bác yêu cầu ly hôn của ông H, để vợ chồng bà có điều kiện đoàn tụ gia đình. Chị Nguyễn Thị N và chị Nguyễn Thị T đề nghị Toà án giải quyết theo pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bà M.
Bình luận:
* Về quan hệ hôn nhân của Ông Nguyễn Bá H và bà Nguyễn Thị M:
Ông Nguyễn Bá H và bà Nguyễn Thị M kết hôn trên cơ sở tự nguyện và có đăng ký kết hôn tại UBND xã TD ngày 21/3/1972. Quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà M không vi phạm các điều kiện kết hôn do pháp luật quy định nên là hôn nhân hợp pháp. Quan hệ hôn nhân giữa ông H và bà M xác lập vào năm 1972 nên luật áp dụng để xem xét tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân giữa ông H, bà M là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Cần phải căn cứ các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 để xác định tính hợp pháp của hôn nhân, cụ thể các điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 đã quy định các điều kiện kết hôn.
Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Con trai và con gái đến tuổi, được hoàn toàn tự nguyện quyết định việc kết hôn của mình; không bên nào được ép buộc bên nào, không một ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.
Điều 6 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Con gái từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn.
Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Việc để tang không cản trở việc kết hôn.
Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Đàn bà goá có quyền tái giá; khi tái giá, quyền lợi của người đàn bà goá về con cái và tài sản được bảo đảm.
Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.
Cấm kết hôn giữa anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Đối với những người khác có họ trong phạm vi năm đời hoặc có quan hệ thích thuộc về trực hệ, thì việc kết hôn sẽ giải quyết theo phong tục tập quán.
Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Những người sau đây không được kết hôn: bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc, mà chưa chữa khỏi.
Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:
Việc kết hôn phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn.
Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luật.
* Về căn cứ ly hôn:
Theo ông H thì lý do chủ yếu, quan trọng nhất để ông xin ly hôn bà M là do bà M theo đạo Long Hoa Di Lặc. Vì theo đạo này, nên bà M đã không thờ cúng tổ tiên (ông bà, cha mẹ và các anh chị ông). Ngoài ra, bà M không tôn trọng ông. Khi ông đau yếu bệnh tật, bà M không thăm hỏi. Về phía bà M khẳng định: Những lý do ông H đưa ra để xin ly hôn bà là không chính đáng. Từ khi bà xây dựng gia đình với ông H đến nay, bà luôn chăm lo cuộc sống gia đình, chung thuỷ với chồng, sống trọn đạo dâu con với gia đình nhà chồng. Việc bà theo đạo Long Hoa Di Lặc là với mục đích tu nhân, tích đức làm điều thiện, không hại ai. Nay ông H xin ly hôn bà là do ông có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác nên bà không đồng ý ly hôn.
Xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cụ thể:
– Theo nội dung cung cấp của UBND xã TD, huyện ĐA, tỉnh H trong biên bản xác minh của Tòa án thì: “Cuộc sống vợ chồng của ông H, bà M hạnh phúc và có 04 con: 03 gái + 01 trai. Các cháu đều đã trưởng thành. Bà M là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình, làm trọn nghĩa vụ dâu con với gia đình nhà chồng và anh em họ hàng, quan hệ tốt với bà con làng xóm, không có điều tiếng gì. Về phía ông H do có quan hệ với người phụ nữ khác nên xin ly hôn bà M. Đề nghị toà án bác đơn ly hôn của ông H vì lý do xin ly hôn của ông H là không chính đáng”.
– Hội liên hiệp phụ nữ huyện ĐA xác nhận sự thiệt thòi của bà M trong nhiều năm qua do phía ông H không quan tâm. Đồng thời, quý Hội cũng đề nghị xem xét và bác đơn xin ly hôn của ông H.
– Nội tộc gia đình ông H cũng có “Đơn kiến nghị” gửi Toà án với nội dung xác nhận:
+ Quá trình chung sống hạnh phúc giữa ông H và bà M.
+ Bà M là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, sống chung thuỷ với chồng, có hiếu với bố mẹ, hoà thuận với họ hàng nội ngoại.
+ Lý do ông H xin ly hôn bà M là không chính đáng.
Đồng thời, phía nội tộc gia đình ông H đề nghị Toà án xử bác đơn ly hôn của ông H.
Với các căn cứ, Hội đồng xét xử thấy việc ông H xin ly hôn bà M là không có cơ sở, không phù hợp với căn cứ ly hôn được quy định tại Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Lời khai của bà M phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, đồng thời bà M vẫn tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H, để tạo điều kiện cho vợ chồng bà được đoàn tụ, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Ông H đưa ra căn cứ ly hôn do bà M theo đạo Long Hoa Di Lặc là không phù hợp với Điều 18, 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, vợ chồng bình đẳng và mỗi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tự do theo hoặc không theo tôn giáo; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
Điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
Tình nghĩa vợ chồng
Vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng
Vợ, chồng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
Căn cứ cho ly hôn
1. Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly
Muc 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
Căn cứ cho ly hôn (Điều 89)
a) Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Toà án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được.
a.1) Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;
a.2) Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
a.3) Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
Từ những phân tích trên đây, vụ việc có thể được giải quyết như sau:
1. Không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông H đối với bà M là đúng pháp luật.
2. Do không chấp nhận yêu cầu ly hôn nên về con cái, tài sản: không xem xét, giải quyết.